Tiềm năng
Na Hang, mảnh đất sơn thủy hữu tình, mang trong mình tiềm năng về điều kiện khí hậu, đất đai để phát triển cây chè shan tuyết đặc sản.
Cán bộ Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh hướng dẫn người dân thôn Phia Chang, Nà Cọn, xã Sơn Phú (Na Hang) quy trình chăm sóc chè theo tiêu chuẩn PGS.
Tháng 11-2024, Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh đã xây dựng thành công mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ) tại 2 thôn Phia Chang, Nà Cọn, xã Sơn Phú với diện tích gần 15 ha. Theo chương trình, trong thời gian 6 tháng, các hộ sản xuất đã được truyền đạt, tập huấn những kiến thức cơ bản về sản xuất chè hữu cơ đạt tiêu chuẩn PGS theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển và thu hái. Bà Triệu Thị Nhậy, thôn Phia Chang hiện có diện tích chè hữu cơ và cổ thụ với hơn 1.300 m2. Bà Nhậy cho biết, gia đình có trên 40 gốc chè cổ thụ có tuổi đời gần 100 năm và hơn 700m2 chè trồng, trước đây, mỗi tháng gia đình thu hái một lần, sản phẩm đều được bao tiêu. Tuy nhiên, theo thời gian cây chè dần có chiều hướng giảm năng suất do khâu chăm sóc chưa đúng quy trình, nhiều cây cổ thụ bị cỗi không cho sản phẩm.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà được nhận cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”.
Là địa phương có tiềm năng để phát triển chè shan tuyết cổ thụ, khoảng 5 năm trở lại đây, 2 thôn Phia Chang, Nà Cọn là 2 địa phương có nhiều cá nhân đi đầu trong đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến chè. Nằm gần đỉnh núi, xưởng chế biến chè của Bí thư Chi bộ thôn Phia Chang Đặng Văn Dấu ẩn mình giữa mây trời, đon đả đón khách, anh Dấu kể, đầu năm 2020, nhận thấy tiềm năng lớn về sản phẩm chè đặc sản, anh cùng 10 thành viên trong thôn đã liên kết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Trang, nhằm thu mua và chế biến các sản phẩm chè trên địa bàn. Trải qua nhiều cuộc “bể dâu” nhưng với khí chất người vùng cao đứng lên sau thất bại, hiện sản phẩm chè Shan tuyết Phia Trang đã có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Anh Dấu bảo, chè Shan tuyết nếu được sản xuất theo tiêu chuẩn PGS sẽ nâng tầm sản phẩm hơn nữa, bởi năng suất, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường ngoài nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Mở rộng
Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang kể, ông đã đi nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhưng để nói về tiềm năng chè Shan tuyết thì không đâu sánh bằng huyện Na Hang. Là vùng núi cao, người dân lại có ý thức bảo tồn, giữ gìn cây chè nên hiện những cây cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm con số lên tới hàng nghìn. Chỉ cần áp dụng đúng tiêu chuẩn hữu cơ, cây chè sẽ cho năng suất cao hơn, bảo tồn được sức sống của cây, tương lai đây còn là sản phẩm đặc sắc để phát triển du lịch.
Lãnh đạo xã Thượng Nông (Na Hang) kiểm tra sản phẩm chè tại cơ sở sản xuất chè Bàn Tranh, thôn Pác Củng.
Xã Thượng Nông hiện có 119 ha chè Shan tuyết mọc trên rừng, đồi nương, vườn gần nhà dân. Chè tập trung nhiều ở thôn Đống Đa 1, Đống Đa 2, Pác Củng, Thôm Luông, Bản Khoan. Cây chè ở đây trước kia mọc tự nhiên trong rừng nguyên sinh, nhiều cây ước tuổi đời cũng vài trăm năm, đã trở thành thứ nước uống truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cây chè shan tuyết thường có thân to cao, búp chè mập, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng. Bí thư Chi bộ thôn Pác Củng Bàn Văn Tranh là người đầu tiên trong xã mạnh dạn mở xưởng sản xuất chế biến sản phẩm chè, anh Tranh kể, năm 2022, anh đầu tư 50 triệu đồng mua hệ thống máy móc chế biến, sau gần 4 năm đưa ra thị trường, hiện sản phẩm chè shan tuyết Bàn Tranh đã có chỗ đứng trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm, anh Tranh cùng người dân có chè cổ thụ trong xã Thượng Nông cũng tự học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP đảm bảo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, tuân thủ quy trình chăm sóc, chế biến đảm bảo an toàn.
Được ví như “SaPa” của xứ Tuyên, xã Hồng Thái quanh năm mây mù bao phủ hiện có tổng diện tích vùng nguyên liệu chè shan tuyết là 65 ha. Trong đó, có 30 ha chè cổ thụ, 35 ha chè trồng trên 25 năm tuổi đang được Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà liên kết với các hộ dân trên địa bàn bảo vệ chăm sóc và thu hái đảm bảo tiêu chuẩn. Năm 2022, sản phẩm chè Shan Tuyết Hồng Thái đã lọt vào top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á-Thái Bình Dương, là sản phẩm đạt cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”. Ông Lý Văn Lành, thôn Hồng Ba nói, để có đủ điều kiện cung cấp nguyên liệu cho HTX thì các hộ dân trong thôn phải cam kết, cây chè không được sử dụng phân bón hóa học và phun thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có chè sạch, HTX mới thu mua.
Do khí hậu đặc trưng nên sản phẩm chè shan tuyết Hồng Thái có màu đen xanh hơi xám bạc, khi pha chè nước có màu xanh sáng, vị chát dịu và rõ hậu ngọt khi uống. Loại chè đặc sản này đã từng nhiều lần được lựa chọn làm quà biếu các nguyên thủ quốc gia. Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà phấn khởi, tháng 11 - 2024, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá đang được đề xuất là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, hiện phía HTX đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công nhận.Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá, mặc dù diện tích chè Shan tuyết khá lớn nhưng sản lượng vẫn còn thấp, chất lượng chưa đồng đều, tập trung tại một số xã vùng xa của huyện như Sinh Long, Khâu Tinh, Thượng Giáp, Thượng Nông. Nguyên nhân do việc đầu tư chăm sóc, đốn tỉa, thu hái chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nhiều diện tích nằm ở vị trí khó thu hái nên chưa được khai thác triệt để. Việc bao tiêu, thu mua sản phẩm chè shan tuyết giữa một số công ty, hợp tác xã chưa ổn định nên người dân chưa yên tâm chăm sóc, đầu tư cho cây chè. Khi mở rộng việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, kết nối sản phẩm từ người trồng đến đơn vị tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn sản phẩm chè của huyện sẽ nâng tầm giá trị, đưa các sản phẩm vươn xa.
Gửi phản hồi
In bài viết